chu

Đông y minh phú - niềm tin của mọi nhà

BÁT CƯƠNG TRONG CHÂM CỨU

BÁT CƯƠNG
Bất cứ bệnh tật gì phát sinh ra cũng không ngoài Bát cương vì

Tính chất của bệnh không  Âm thì Dương
Bộ Vị của bệnh không ở Biểu thì ở Lý
Chứng Trạng của bệnh không Nhiệt thì Hàn
Sự Thịnh Suy của chính khí tà khí của bệnh không Thực thì Hư.
Mọi biến hóa bệnh lý nặng hay nhẹ, ngoại cảm hay nội thương, thay đổi dù muôn hình vạn trạng cũng không ngoài phạm vi của Bát cương.
Nhưng trong Bát cương ấy, hai cương Âm Dương là hai cương chính có thể bao quát được cả 6 cương kia:
Hàn - Hư - Lý thuộc Âm
Nhiệt - Thực - Biểu thuộc về Dương

Quá trình diễn biến của bệnh tật thường rất phức tạp
Trong Âm có Dương , trong Dương có Âm , do Biểu truyền vào Lý, từ Lý xuất ra Biểu , Hàn , Nhiệt lẫn lộn và nhiều khi có cả Hư lẫn Thực. Muốn chẩn đoán bệnh tật chính xác, phải nắm vững nội dung cũng như sự biến hóa không ngừng của Bát cương.

HƯ THỰC

Hư Thực là hai cương dùng để chỉ rõ chính khí, tà khí thịnh hay suy:

Hư là chính khí hư ( Chính khí không đủ )
Thực là tà khí thực ( Tà khí mạnh sinh ra thực )
Do bản chất mạnh yếu, sinh ra tà khí thịnh suy không giống nhau, nên châm cứu có thủ pháp bổ tả khác nhau.

 


Hư chứng : Hiện tượng suy nhược, bất túc, bệnh kéo dài từ lâu.
Thực chứng: Hiện tượng cường thịnh, hữu dư, bệnh mới mắc

Biểu thực: Nóng, không có mồ hôi
Biểu hư : Nóng có mồ hôi

Lý thực : Bụng rắn, đại tiện bế.
Lý hư : Bụng mềm đại tiện lỏng.

Khí hư: Hơi thở ngắn, nói nhỏ, tự ra mồ hôi, tim hồi hộp ù tai, mỏi mệt, ăn ít, tiêu hóa thất thường, mạch vi hoặc hư: Thoát giang (Nam), sa tử cung (Nữ).


Khí thực: Đàm nhiệt, thấp nhiệt, thực trệ, táo nóng, bụng cứng đầy, buồn bực nhiều đờm … đại tiện bón hoặc đi ít.


Huyết hư: Tâm phiền, ít ngủ, nóng tính hay giận, hay sốt về đêm, ra mồ hôi trộm, da thịt khô, môi nhợt mạch tế vô lực.


Huyết thực: Khi nóng khi lạnh, hay sốt, có mồ hôi trộm, người đau, bụng hông đau, chất lưỡi tím, đại tiện đen, kinh bế (Nữ).


Muốn phân biệt rõ ràng về hư, thực phải dựa vào chẩn mạch mới khỏi lầm lẫn:


- Mạch có lực là chứng Thực.

- Mạch vô lực là chứng Hư.


Trương Trọng Cảnh viết
“ Cần phân biệt rõ Hư thực. Bệnh hư nên Bổ. Bệnh thực nên tả”.


ÂM - DƯƠNG


Âm Dương là 2 cương lĩnh quan trọng nhất để quan sát và phân tích bệnh tật.

Về sinh lý thì Khí là Dương, Huyết là Âm.

Về giải phẫu thì Phủ là Dương, Tạng là Âm.

Về Bộ vị thì lưng và phía ngoài Tứ chi là Dương, bụng và phía trong tứ chi là Âm.

Công năng của Âm Dương tùy đối lập nhau nhưng có tương quan mật thiết với nhau: Theo Nội Kinh : “Âm tại nội Dương chi thủ dã, Dương tại ngoại Âm chi sứ dã” nghĩa là “ Âm ở trong thì Dương giữ gìn ở ngoài, Dương ở ngoài thì Âm lại sai khiến ở trong”.

Về mặt bệnh lý, bệnh chứng tuy phát triển phức tạp, nhưng biểu hiện của nó cũng không ngoài Âm Dương mất thăng bằng, tức là: “Âm thắng thời Dương bệnh, Dương thắng thời Âm bệnh” hoặc “Dương thắng thời Nhiệt, Âm thắng thời Hàn”, và “Dương hư thời ngoài lạnh, Âm hư thời trong nóng”, “ Dương thịnh thời ngoài nóng, Âm thịnh thời trong lạnh”.

Phần nhiều những chứng: Biểu, Nhiệt, Thực, thuộc về khí Dương thắng, những chứng: Lý, Hàn, Hư thuộc về khí Âm thắng. Trong thực tế, sự biến hóa về Âm Dương của bệnh tật thường không đơn thuần, chẳng hạn: chứng “ cực nhiệt” mà chân tay giá lạnh thì đó là “chân Nhiệt giả Hàn”, đó là hiện tượng “Nhiệt cực sinh Hàn”. Ngược lại, mình nóng mà muốn đắp chăn, miệng khát nhưng không muốn đắp chăn, miệng khát nhưng không muốn uống nước, thì đó là “chân Hàn giả Nhiệt”, đó là hiện tượng “ Hàn cực sinh Nhiệt”.

Nội Kinh đã ghi “ người chẩn đoán giỏi, xét về sắc, án về mạch, trước hết phải phân biệt cho được Âm Dương”. Muốn phân biệt được Âm Dương, tất nhiên phải thông qua bốn phép: vọng, văn, vấn, thiết theo bảng phân biệt Âm chứng và Dương chứng:


BẢNG PHÂN BIỆT ÂM CHỨNG VÀ DƯƠNG CHỨNG

 

1 Tứ chẩn Âm Dương

 

Vọng

 

Văn

 

Vấn

 

Thiết

Dương chứng

- Nằm ngoảnh mặt ra – Mặt đỏ mắt mờ nhìn chỗ sáng, môi khô miệng nóng hoặc bị nứt: Rêu lưỡi vàng và dày, ưa gặp người. Tay chân mỏi, thân mình nằm hay ngẩng lên

Nói nhiều

thở mạnh

Đại tiện rất hôi khó chịu

Ưa chỗ mát

thích uống nước, Tiểu tiện đỏ, Đại tiện bế hoặc táo bón

Mạch hoạt sác Phù đại, tay chân ấm, bụng đau, không thích xoa bóp

 

 

 

 

Âm chứng

Nằm mặt ngoảnh vào vách

- Nhắm mắt ghét chỗ sáng, không muốn gặp ai

Mặt và môi nhợt nhạt

- Rêu lưỡi trắng mà nhuận

Ít nói nói nhỏ thở nhẹ

Đại tiện có mùi tanh

Ưa chỗ nóng. không khát Nước tiểu trong

 Đại tiện lỏng không sốt, nhưng ghét lạnh

Mạch trầm tế nhược trì,

Thân mình và tay chân giá lạnh và mỏi

Bụng đau thích xoa bóp




Bị chú

Ngoài ra còn phân biệt: “ chân Âm chân Dương bất túc” và “ vong Âm và vong Dương”:

- Chân Âm chân Dương bất túc: Các chứng Dương hư và Âm hư đều thuộc Thận.

+ Dương hư là chân Dương của Thận hỏa hư.

+ Âm hư là chân Âm của Thận thủy hư.

- Vong Âm và vong Dương:

Chứng này sinh ra do sốt nặng, dùng thuốc phát tán nhiều hoặc bị thổ tả quá độ hoặc mất máu nhiều.




HÀN - NHIỆT


Hàn Nhiệt là hai chứng bệnh lạnh nóng ngược hẳn nhau cần phân biệt rõ tính chất của Hàn Nhiệt thì chẩn đoán mới không sai nhầm.


Chứng Hàn


  • Không khát hoắc khát không muốn uống.

  • Thích ăn uống nóng

  • Tay chân quyết lạnh

  • Sắc mặt xanh trắng.

  • Tiểu tiện trong và nhiều

  • Đại tiện lỏng

  • Rêu lưỡi trắng và trơn

  • Mạch trì hoặc trầm



Chứng Nhiệt


  • Khát nước

  • Thích ăn uống nguội

  • Sốt, phiền táo

  • Sắc mặt đỏ hồng

  • Tiểu tiện đỏ mà ít

  • Đại tiện táo bón

  • Rêu lưỡi vàng, khô Mạch sác, hoạt


Trong thực tế, có Hàn Nhiệt lẫn lộn, Hàn Nhiệt chân giả, Tố vấn đã ghi: “ Hàn cực sinh Nhiệt, Nhiệt cực sinh Hàn”.
Xem chi tiết bấm vào bảng phân biệt Hàn Nhiệt chân giả



BIỂU - LÝ


Trên cơ thể ta, da lông kinh lạc là Biểu, lục phủ ngũ tạng là Lý. Bộ vị đó cho ta biết, bệnh tà đang ở ngoài hay đã vào trong. Nông hay sâu, nhẹ hay nặng.

- Ngoại cảnh lục dâm thường trước hết xâm nhập da lông kinh lạc, sinh ra: sợ lạnh, phát sốt, đầu đau, mình mỏi, đó là Biểu chứng. Khi đã xâm phạm đến ngũ tạng thường thấy sốt nặng. Tinh thần mê mệt, phiền táo, khát nước, bụng đau, nôn mửa, đi ngoài lỏng hoặc đại tiểu tiện bế tắc đó là Lý chứng.

- Những chứng bệnh do trong phát sinh, hoặc do rối loạn tình chí, hoặc vì lao tổn quá sức hoặc vì ăn uống, tửu sắc quá độ làm cho các chức năng tạng phủ bị trở ngại – đó gọi là Lý chứng.

- Cũng có trường hợp, bệnh không phải Biểu, không phải Lý, ở vào khoảng giữa Biểu và Lý - đó là chứng bán Biểu bán Lý.

Trường hợp này, thường thấy Hàn Nhiệt vãng lai: Bụng hông nặng nề, tâm phiền muốn nôn mửa, miệng đắng, không muốn ăn, cổ khô, mắt hoa, rêu lưỡi trơn nhuận, mạch huyền tế.

Thường thì: Bệnh từ Lý xuất Biểu là hiện tượng tốt gọi là thuận. Trường hợp này, bệnh nhân từ chỗ phiền táo, bứt rứt, trở thành phát nhiệt, có mồ hôi hoặc sinh ban, chẩn, đậu v.v…

Ngược lại, nếu thấy do Biểu nhập Lý là bệnh đang phát triển, không tốt gọi là nghịch. Trường hợp này, bệnh nhân nặng dần, từ chỗ nước tiểu trong thành nước tiểu vàng, đỏ, muốn nôn ọe, miệng đắng, không muốn ăn hoặc muốn ngủ, nói nhảm, bụng đau v.v…Nếu lẫn lộn cả chứng Biểu lẫn chứng Lý thì bệnh khó chữa, nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ: Có Biểu chứng là ghét lạnh, phát nhiệt, đau đầu, lại có đau bụng đi ngoài, đầy bụng thuộc Lý chứng.


BẢNG PHÂN BIỆT HÀN NHIỆT HƯ THỰC CỦA BIỂU LÝ


Chứng bệnh biểu lý

Chứng bệnh

Rêu lưỡi

Mạch tượng

Biểu Hàn

Đau đầu phát nhiệt, ghét lạnh, không mồ hôi, xương đau.

Trắng nhợt

Phù khẩn

Biểu Nhiệt

Phát nhiệt ghét gió, đầu đau, có mồ hôi, hoặc không mồ hôi. Khát nước

Trắng nhợt chất lưỡi đỏ

Phù sắc

Biểu Hư

Tự ra mồ hôi, hoặc mồ hôi chảy luôn không ráo, sợ gió

Lưỡi nhợt nhạt

Phù nhược vô lực

Biểu Thực

Phát nhiệt ghét lạnh, không mò hôi, mình đau

Rêu lưỡi trắng

Phù khẩn

Lý Hàn

Tay chân giá, không khát ghét lạnh, ưa nóng, bụng đau, đại tiện lỏng, nước tiểu trong trắng.

 

Rêu lưỡi trắng trơn

Trầm trì

Lý Nhiệt

Sốt nhiều miệng khát, mắt đỏ, trằn trọc, nước tiểu vàng đỏ

Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng

Sác

 

 

 

Lý Hư

Khí nhược, biếng nói, ăn kém, mệt mỏi, đầu choáng váng.

Rêu lưỡi trắng nhạt

Trầm nhược

Lý Thực

Sốt nhiều, nói nhảm, tay chân có mồ hôi, không đại tiện, bụng đầy cứng, đau quanh rốn

Rêu lưỡi vàng

Trầm thực


Bị chú
Sự diễn biến của bệnh về hàn nhiệt biểu lý rất phức tạp, nếu cần chú ý.
+ Biểu Lý đều nhiệt nên chú ý về Lý, nghĩa là phải làm cho mát trong.
+ Biểu lý đều Hàn nên chú ý ôn Lý, nghĩa là phải chú ý làm cho nóng ấm ở trong lên.
+ Nếu biểu hàn lý nhiệt hoặc biểu nhiệt lý hàn nên chú ý công ngay biểu để giải biểu tà. Nếu không giải biểu tà ngay khi lý tà còn đó, biểu ta sẽ thừa hư thâm nhập làm cho bệnh càng nặng, rất nguy hiểm.

Theo GS. TSKH. Nguyễn Tài Thu
Thầy thuốc Nhân dân
 Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam.
Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Châm cứu thế giới
Nguyên Viện trưởng Viện Châm cứu Việt Nam
Châm cứu chữa bệnh
Hà Nội – 2012

Không có nhận xét nào:

ĐÔNG Y MINH PHÚ - Trang nghiên cứu - Trao đổi - Học tập Kinh nghiệm về Y học Cổ truyền - Tất cả nội dung trong trang chỉ mang tính chất tham khảo - Người xem không được dựa vào để tự chữa bệnh

Cảm ơn các bạn đã xem

Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Google search

Introducing Minh Phu Traditional Medicine clinic - 108 - 19/5 Street - Duyen Hai town - Tra Vinh province - Viet Nam - Mobile phone 84969985148 - Email . luongyhanhatkhanh@gmail.com

Google map - ĐT : 0969985148